Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012

Ngân hàng Nhà nước công bố số liệu về nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam

Ngày 12/7/2012, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức thảo luận về nợ xấu hệ thống ngân hàng Việt Nam nhằm làm rõ bản chất của nợ xấu, giúp dư luận hiểu rõ hơn về hiện trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng. 





                         <<  Ngân hàng Habubank tự tin xóa nợ  >>


Đồng thời đưa ra một số giải pháp trong thời gian tới nhằm kiềm chế nợ xấu của hệ thống ngân hàng.

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa – Quyền Chánh Thanh tra, Giám sát ngân hàng, đến ngày 31/5/2012, nợ xấu theo các tổ chức tín dụng (TCTD) báo cáo là hơn 117 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,47% so với tổng dư nợ tín dụng. Theo kết quả giám sát của Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng đối với gần 1,01 triệu khách hàng vay được chọn mẫu của 57 TCTD của Việt Nam chiếm tới 90,1% tổng dư nợ tín dụng của các TCTD này, đến ngày 31/3/2012 nợ xấu của các TCTD là hơn 202 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,6% tổng dư nợ cấp tín dụng.

Giải thích lý do có sự khác nhau về số liệu nợ xấu này, ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho rằng: “Trên thực tế không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ. Việc sử dụng các hệ thống tiêu chí phân loại nợ khác nhau sẽ cho kết quả nợ xấu không giống nhau. Do có sự khác biệt giữa các hệ thống phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro (DPRR), vì vậy khi xác định, đo lường, phân tích, đánh giá nợ xấu phải xem xét, hiểu được hệ thống phân loại nợ và trích lập DPRR được sử dụng. Việc so sánh số liệu nợ xấu dựa trên các tiêu chí phân loại nợ khác nhau không có nhiều ý nghĩa và có thể dẫn đến nhận định không hợp lý. Mọi sự so sánh nợ xấu phải bảo đảm tính đồng nhất về hệ thống tiêu chí phân loại nợ. Sự khác nhau về phương pháp phân loại nợ và trích lập DPRR làm cho việc so sánh mức độ yếu kém hay mức độ lành mạnh giữa các ngân hàng hay các hệ thống ngân hàng trở nên khó khăn hơn. Do không có chuẩn mực quốc tế về phân loại nợ và trích lập DPRR, vì vậy các cơ quan quản lý, giám sát ngân hàng thường ban hành quy định khung về phân loại nợ và trích lập DPRR phù hợp với đặc điểm cụ thể của quốc gia”.
Cũng theo ông Nghĩa, nợ xấu hiện nay tập trung vào các lĩnh vực: sản xuất công nghiệp, xây dựng, bất động sản. Theo báo cáo của các ngân hàng thương mại, nợ xấu đầu tư bất động sản chiếm khoảng 10,3% trong tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng.Tính đến 31/5/2012, dư nợ cho vay đầu tư chứng khoán còn là khoảng 12.000 tỷ đồng, nợ xấu khoảng 485 tỷ đồng (tương đương mức 4,1%).

Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, mức độ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tuy có tăng cao hơn so với trước song không quá lo ngại, bởi có 84% dư nợ xấu được bảo đảm bằng tài sản, chỉ có 16% dư nợ xấu không được bảo đảm bằng tài sản. Nếu xét giá trị bảo đảm trên tổng nợ xấu, giá trị tài sản bảo đảm khoảng 135% nợ xấu, đây là mức giá trị cao. Nếu xét những khoản nợ xấu được bảo đảm bằng bất động sản thì giá trị tài sản bất động sản trên dư nợ xấu khoảng 180%. Nếu tính cho đến 31/5/2012, nợ xấu của các TCTD là 117 nghìn tỷ thì DPRR mà các TCTD đã trích lập là 67,3 nghìn tỷ và chưa được sử dụng (tương đương với mức 57,18%).

Tháng 8/2012, NHNN sẽ hoàn thiện những quy định về phân loại nợ, trích DPRR. Đây sẽ là nền tảng quan trọng cho các TCTD hoạt động an toàn, lành mạnh trong quá trình cấp tín dụng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, NHNN sẽ ban hành một Thông tư mới về phân loại nợ và trích DPRR.

Cùng với đó, NHNN sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra về hoạt động tín dụng, phân loại nợ, xử lý nợ xấu, trích lập DPRR, mặt khác, NHNN cũng sẽ tăng cường cảnh báo rủi ro những nguy cơ tiềm ẩn có thể tác động xấu tới hệ thống ngân hàng giúp các TCTD phòng ngừa được những rủi ro có thể xảy ra. NHNN sẽ thúc đẩy thị trường mua bán nợ trong hệ thống ngân hàng và mua bán nợ giữa các TCTD và giữa với các cá nhân , giúp cho các TCTD cơ cấu lại nợ.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét